Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận làm việc với đoàn công tác của Chính phủ
Ngày 18/5/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc tại tỉnh Ninh Thuận
Thực hiện Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phân công Thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Ngày 18/5/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc tại tỉnh Ninh Thuận nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu; lắng nghe địa phương trình bày những khó khăn, vướng mắc đang là rào cản để báo cáo Chính phủ có giải pháp tháo gỡ.
Tại buổi làm việc, ngoài các vấn đề kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã có nhiều kiến nghị về giao thông.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, hạ tầng giao thông là một trong những điểm nhấn trong đầu tư công giúp tỉnh hình thành động lực và lan toả sự phát triển.
Trong đó, điển hình là đường nối thị trấn Tân Sơn (Ninh Thuận) - Tà Năng (Lâm Đồng) dài 62,45km, tổng mức đầu tư 1.494 tỉ đồng. Dự án có vị trí liên kết 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hoà, phá thế chia cắt, giải quyết ách tắc lưu thông qua đèo Ngoạn Mục, gia tăng giá trị và phát triển quỹ đất hai bên đường.
Hay như tuyến đường nối cao tốc Bắc - Nam vào QL1 và cảng tổng hợp Cà Ná dài 14,5km có mức đầu tư trên 900 tỉ đồng kết nối với khu công nghiệp Cà Ná, thu hút phát triển mạnh mẽ công nghiệp, tháo gỡ điểm nghẽn, khai thông hạ tầng.
Bên cạnh đó, cảng tổng hợp Cà Ná đã hoàn thành bến 1A, tiếp nhận tàu 100.000 tấn và bến 1B dự kiến hoàn thành trong 2025.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đã có rất nhiều kiến nghị về hạ tầng giao thông, đáng chú ý có kiến nghị Thủ tướng sớm chuyển đổi sân bay quân sự Thành Sơn thành sân bay lưỡng dụng, giao tỉnh Ninh Thuận là cơ quan có thẩm quyền lập đề án đầu tư theo hình thức PPP; bổ sung khu bến cảng Cà Ná có chức năng tiếp nhận tàu khách quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển; quy hoạch hệ thống cảng cảng tỉnh Ninh Thuận bao gồm 02 vị trí cảng cạn Cà Ná, huyện Thuận Nam và cảng cạn Du Long, huyện Thuận Bắc trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; sớm xem xét thống nhất đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao liên thông Thuận Nam tại Km113+000 thuộc địa phận huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn 1 của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Ninh Thuận; Đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 27 đoạn còn lại qua địa bàn xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn; Giải quyết nứt nhà do ảnh hưởng thi công Quốc lộ 1; hỗ trợ kinh phí thực hiện Xây dựng đường gom dọc theo tuyến đường sắt Bắc Nam và các cầu vượt đường sắt Phước Dân và Tháp Chàm theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt,…
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của các Bộ, Ngành dự họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã nhận xét Ninh Thuận là tỉnh nằm giữa các tỉnh phát triển, hạ tầng tốt như: Khánh Hoà, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng: "Nếu kết cấu hạ tầng tốt hơn thì Ninh Thuận có cơ hội tốt, đặc biệt có sân bay, có cao tốc. Đối với các kiến nghị về hạ tầng giao thông của tỉnh, Bộ trưởng đã có các ý kiến kết luận như sau:
Về hàng không: Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện Bộ GTVT đã có Tờ trình số 4528/TTr-BGTVT ngày 04/5/2023 kiến nghị Chính phủ bổ sung hoạch CHK Thành Sơn trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý: “Không phải có sân bay là có khách bay, vấn đề là có gì để khách đến, đến để làm gì?”.
Nguồn khách rất quan trọng là khách lao động chuyên gia, đây chính là lượng khách lớn nhất của các địa phương đang phát triển. Muốn như vậy phải có khu công nghiệp, có thị trường lao động mạnh”.
Mặt khác, theo Bộ trưởng, có sân bay rồi, vấn đề tiếp theo là thuyết phục các hãng bay. Ông nói: “Vấn đề thuyết phục một hãng bay hợp tác rất quan trọng. Có thể ban đầu tỉnh phải bỏ ra một khoản chi phí để chia sẻ với các hãng bay, thậm chí có thể chia sẻ khoản lỗ thời gian đầu...".
Liên quan đến kiến nghị của tỉnh về phát triển cảng Cà Ná theo định hướng cảng trung chuyển quốc tế, Bộ trưởng chỉ ra: “Có cảng không có nghĩa là có tàu. Ai đến đây? Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ. Tất cả các cảng trên thế giới đều là kêu gọi nhà đầu tư hết. Các doanh nghiệp đó là các doanh nghiệp có mạng lưới và có quan hệ tốt với các hãng tàu, các đại lý. Đầu tư lớn mà không có hàng thì sẽ không hiệu quả”.
Với các kiến nghị của tỉnh như bổ sung hai vị trí cảng cạn Cà Ná và cảng cạn Du Long, xây dựng Trung tâm logistics hạng II cấp vùng tại Cà Ná, hỗ trợ tỉnh dự án động lực đường giao thông kết nối từ cảng biển Cà Ná lên các tỉnh Nam Tây nguyên, đầu tư nâng cấp, mở rộng QL27 đoạn qua xã Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn), đầu tư khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt theo hình thức PPP… Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đều có những giải đáp, tháo gỡ ngay tại chỗ.
Với đoạn 4,5km nâng cấp QL27 còn vướng mắc, Bộ trưởng cho rằng đây chỉ là vướng mắc nhỏ trong toàn dự án gần 1.000 tỉ đồng. Ông nói hình tượng: “May xong cái áo còn vướng mỗi cái khuy. Bộ GTVT sẽ làm việc với Bộ Kế hoạch - Đầu tư để tháo gỡ vấn đề này”.
Đánh giá cao và chia sẻ với những nỗ lực của cán bộ, nhân dân của tỉnh, nhìn nhận Ninh Thuận là vùng đất có nhiều tiềm năng, cơ hội lớn nhưng Bộ trưởng đưa ra một nhận định rất thận trọng: biến tiềm năng đó thành động lực cũng không phải là điều đơn giản.
Tiềm năng, cơ hội lớn mà Bộ trưởng nói tới là “trên bến dưới thuyền”. “Trên thì có cao tốc, có sân bay; dưới thì có cảng biển có sức tiếp nhận tàu 300.000 tấn. Đó là lợi thế rất lớn. Nhưng biến thành động lực cũng cần nhiều điều kiện”.
Theo Bộ trưởng, cùng với giải pháp mà tới đây Chính phủ sẽ đưa ra, Ninh Thuận cũng phải tự thân vận động rất nhiều mới có kết quả tốt.
Cùng với đó là tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tiến độ giải ngân, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm. Tập trung cao cho đầu tư hạ tầng: hạ tầng giao thông, logistics, dịch vụ thương mại… “Phần của Trung ương thì Trung ương làm, của địa phương thì địa phương nỗ lực. Tập trung nguồn lực, tránh dàn trải”, Bộ trưởng nói.
Lê Tiến Mạnh-Phó Trưởng phòng QLGT
(Nguồn tham khảo: báo giao thông)