Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông

Thực hiện Kế hoạch số 73-KH/TU ngày 03/8/2017 của Tỉnh ủy, ngày 09/11/2017, Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.

Thành phần gồm các đồng chí Tỉnh uỷ viên; Lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp; Ủy viên Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh; Chủ tịch UBND, Trưởng Công an các huyện, thành phố.

Thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư, trong thời gian qua các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, có sự đồng thuận, phối hợp của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và đã đạt được những kết quả tích cực. Việc quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Chỉ thị 18-CT/TW, các văn bản quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông được thực hiện nghiêm túc; nội dung giải pháp cụ thể hóa để chỉ đạo, tổ chức thực hiện của từng cơ quan, đơn vị các cấp cụ thể, sát hợp, phân công trách nhiệm cụ thể. Ban An toàn giao thông các cấp thường xuyên kiện toàn, hoạt động nề nếp, hiệu quả, nhất là cấp tỉnh. Trách nhiệm của Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được đề cao. Tinh thần, thái độ, trách nhiệm trong công việc và khi tiếp xúc với Nhân dân của lực lượng chuyên trách tuần tra kiểm soát giao thông có chuyển biến tích cực, tuyệt đại đa số giữ nghiêm kỷ luật, chưa phát hiện vi phạm nghiêm trọng, giảm vi phạm thông thường. Nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân về vai trò, tầm quan trọng và yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực. Công tác tham mưu, phối hợp, triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông được tiến hành thường xuyên, quyết liệt và đồng bộ, chặt chẽ hơn. Việc thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và khắc phục những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông được các cấp, các ngành chú trọng, thực hiện thường xuyên. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông được nâng lên. Số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông bị xử lý hành chính và số vụ tai nạn giao thông được kiềm chế và giảm dần qua các năm. Chỉ tiêu đề ra theo Chương trình hành động số 146-CTr/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy đạt ở hầu hết các năm  ; ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên địa bàn không xảy ra. Kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân. Từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý phương tiện và người điều khiện phương tiện giao thông. 

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động số 146-CTr/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy và các văn bản liên quan ở một số sở, ngành, địa phương chưa thật sự quyết liệt, thường xuyên, chưa đề ra các biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Ban An toàn giao thông một số xã, thị trấn hoạt động chưa hiệu quả, chưa làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp với nhau, giữa các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt của Trung ương trên địa bàn với địa phương trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông có lúc chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên. Công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông vẫn còn hạn chế so với yêu cầu. Tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông tuy có giảm nhưng chưa vững chắc. Hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập (tình trạng ngập úng cục bộ, đường hư hỏng chậm được sửa chữa, thiếu điện chiếu sáng trên nhiều tuyến đường...), chưa đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt còn xảy ra nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn triệt để. Các lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông chưa được kiện toàn, bổ sung biên chế và trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ được giao. Nguyên nhân của những tồn tại trên, ngoài nguyên nhân khách quan, cần nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số nơi đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông chưa thật sự mạnh mẽ, kiên quyết, nhất là cấp cơ sở. Vai trò trách nhiệm của một số ngành chức năng, thành viên Ban An toàn giao thông các cấp chưa cao. Công tác kiểm tra đôn đốc chưa được thực hiện thường xuyên. Ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế.

Đồng chí Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Đức Thanh phát biểu chỉ đạo Hội nghị 

Để tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động số 146-CTr/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy, nhằm kiềm chế và tiến tới đẩy lùi số vụ tai nạn giao thông; không để xảy ra ùn tắc giao thông; kiên quyết giải toả, không để tái diễn tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh và phục vụ tốt việc đi lại của nhân dân. Đồng chí Bí thư tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như sau: 

Một là, Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao hiểu biết pháp luật về trật tự an toàn giao thông với nhiều hình thức và nội dung phù hợp cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên; gắn việc xây dựng văn hóa giao thông vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giao thông ở khu dân cư”. Đổi mới nội dung, hình thức phương pháp giảng dạy pháp luật về giao thông trong trường học. 

Hai là,  Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương và Chương trình hành động số 146-CTr/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông đối với cấp ủy các địa phương, các cơ quan có liên quan nhằm nâng cáo trách nhiệm trong công tác tổ chức thực hiện. 

Ba là, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp trọng tâm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; trong đó chú trọng chỉ đạo khảo sát, nghiên cứu, xây dựng và ban hành quy định nhằm đảm bảo an toàn giao thông, ngăn ngừa tai nạn giao thông, tránh ùn tắc giao thông trên toàn tỉnh, đặt mới các biển báo hiệu giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đúng theo quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương. Đánh giá lại công tác đào tạo, sát hạch lái xe, công tác kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện, chấn chỉnh những tồn tại thiếu sót, có biện pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe, kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông. Nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
 
Bốn là, Tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban An toàn giao thông các cấp đủ sức tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong phạm vi địa phương mình. Phát huy trách nhiệm của các ngành trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn giao thông. 

Năm là, Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các “điểm đen” thường xảy ra tai nạn giao thông. Kiên quyết đình chỉ hoạt động kinh doanh vận tải đối với tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải và bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông; xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm trật tự an toàn giao thông.
 
Sáu là, Quan tâm xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, cán bộ đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cán bộ kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông vững về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm đối với công việc, có phẩm chất đạo đức tốt. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo lái xe, nhắc nhở, uốn nắn các biểu hiện sai trái, không để xảy ra tiêu cực. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa sai phạm, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà cho Nhân dân trong khi thi hành công vụ. Có chính sách phù hợp, thỏa đáng, ưu tiên về biên chế, trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ cho các lực lượng trực tiếp làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. 

Bảy là, Các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm quy định pháp luật trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tuyệt đối không để lọt tội phạm hoặc để xảy ra oan sai. Điều tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là các hành vi nghiêm trọng dễ gây ra tai nạn giao thông. Tám là, Các cơ quan Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thường xuyên tuyên truyền, đưa tin những nơi làm tốt, những điển hình tiên tiến, kịp thời phê phán những biểu hiện xấu trong chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông

Tám là, Các cơ quan Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thường xuyên tuyên truyền, đưa tin những nơi làm tốt, những điển hình tiên tiến, kịp thời phê phán những biểu hiện xấu trong chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông./.

Nguyễn Văn Vinh