Một số nguyên nhân công trình giao thông nông thôn sau một thời gian đầu tư bị xuống cấp

Kết cấu mặt đường bằng bê tông xi măng (BTXM) trong 10 năm trở lại đây trên cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng được sử dụng nhiều, nhất đối với đường giao thông nông thôn với lý do vật liệu địa phương sẵn có, nhân công địa phương rẻ, thiết bị thi công, phương pháp thi công đơn giản, tuổi thọ cao hơn các loại mặt đường khác (láng nhựa, thấm nhập nhựa, )...

Tuy nhiên, dù đã có sự hỗ trợ chuyên môn của cán bộ kỹ thuật cấp huyện nhưng không phải công trình đường giao thông nào cũng thực hiện hiệu quả, đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật. Quá trình triển khai, nhiều địa phương đã làm tốt vấn đề tổ chức triển khai làm đường BTXM trong các khâu chuẩn bị, thi công và bảo dưỡng, cũng có nhiều địa phương làm chưa tốt.


Mặt đường bê tông bị rỗ mặt 


Khe co giãn bị hư hỏng, nứt mặt đường 

Một số vấn đề cần quan tâm trong quá trình triển khai thi công cũng như trong quá trình khai thác sử dụng thường ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ công trình như sau:

Thứ nhất: Về chất lượng thi công gồm một số yếu tố sau

+ Chuẩn bị về mặt bằng: Mặt bằng thi công phải được chuẩn bị và kiểm tra trước khi tiến hành đổ bê tông để đảm bảo: Độ bằng phẳng, độ chặt, không có ứ đọng hữu cơ (bùn đất, cỏ rác), khô ráo, thoát nước tốt. Kinh nghiệm cho thấy, nếu không chuẩn bị tốt mặt bằng sẽ dẫn đến tổn hao khối lượng, chất lượng mặt đường BTXM kém (nền bị lún, yếu…).

+ Chuẩn bị máy móc, thiết bị, phương tiện thi công: Kiểm tra máy trộn, dụng cụ trộn, đầm, nguồn nước, thùng chứa nước, cọc, dây định vị, bao bì, bạt che chắn… ví dụ một số tuyến đang thi công gặp trời mưa to, không có bao bì, bạt che chắn dẫn đến rỗ mặt bê tông, trôi xi măng, cát dẫn đến không đảm bảo chất lượng…

+ Chuẩn bị vật liệu: Cần kiểm tra vật liệu cát, đá, nguồn nước trước khi trộn bê tông, các loại vật liệu có đảm bảo độ sạch bằng mắt thường (thường cát khai thác tại các sông, suối thường lẫn tạp chất như bùn, đất, nguồn nước có nhiều bùn lắng hoặc nước nhiễm mặn ảnh hưởng đến cường độ bê tông). Vật liệu đá, cát không đảm bảo độ sạch ảnh hưởng đến cường độ bê tông.

+ Công tác bêtông (trộn, đổ bê tông): Thường dùng máy trộn 250 lít - 500 lít, thành phần cấp phối theo qui định (tỷ lệ đá, cát xi măng, nước), thời gian trộn bê tông đảm bảo để trộn đều khối bê tông (40 - 60 giây, quay khoảng 20 vòng). Khi đổ bê tông phải hạ thấp xô, xe đổ, không đổ từ vị trí cao xuống, hoặc hất từ xa vào sẽ làm hỗn hợp vữa đã trộn phân tách, mất đồng nhất, bê tông sẽ không đảm bảo cường độ, đầm kỹ những vị trí xung quanh sát ván khuôn và các góc để đảm bảo độ chặt.

+ Công tác làm khe: Thông thường đường bê tông giao thông nông thôn được cấu tạo bở các khe co rộng (5 - 8) mm, chèn bao tải tẩm nhựa, hoặc miếng gỗ mỏng, hoặc cắt khe bằng máy sau đó chèn mát tít nhựa; thông thường (3 - 5) m tùy theo bề rộng mặt đường làm 1 khe theo chiều ngang đường để đảm bảo bê tông co ngót trong quá trình đông cứng. Nhiều địa phương làm chưa tốt (không có khe, hoặc khoảng cách khe quá dài)  thì sẽ gây nứt mặt bê tông (nứt dọc, nứt ngang, chéo), công tác làm khe 6 - 24 giờ sau khi đổ bê tông.

+ Công tác bảo dưỡng: Các tuyến đường khi thi công xong chưa chú trọng đến việc bảo dưỡng mặt đường nên khi đưa vào sử dụng không đảm bảo được cường độ. Thực tế cho thấy, nếu muốn chất lượng được đảm bảo, khi thi công xong phải được bảo dưỡng ít nhất 7 ngày bằng cách tưới nước, giữ ẩm cho mặt đường bê tông (trải bao bì, rơm rạ, cát, tưới nước…). Việc lưu thông xe quá sớm làm cho mặt đường bị rỗ mặt, trơ đá (Nếu bảo dưỡng tốt ít nhất là 14 ngày xe mới được chạy).

Thứ hai:  Đầu tư không có rãnh dọc thoát nước. Các chuyên gia về công trình giao thông thường nói câu “nước là kẻ thù của công trình đường giao thông”. Công trình đường giao thông nói chung và đường giao thông nông thôn nói riêng khi bị đọng nước thì sẽ bị hư hỏng rất nhanh đặt biệt là đối với mặt đường có kết cấu bằng cấp phối thiên nhiên và đá dăm láng nhựa, bê tông nhựa, chỉ qua vài trận mưa nơi mặt đường đọng nước sẽ bị hư hỏng kết cấu mặt đường ngay. Mặt đường có kết cấu bằng BTXM ổn định hơn khi tiếp xúc với nước, nhưng sau một thời gian nước đọng nền đường sẽ bị lún, đất gặp nước thì nhão ra (bão hòa nước) khả năng chịu tải không còn nữa, lúc này lớp mặt đường không còn điểm tựa bên dưới nữa, toàn bộ tải trọng khi xe cộ lưu thông trên đường sẽ tác dụng xuống mặt đường, xe có tải chạy qua lặp đi lặp lại nhiều lần theo thời gian mặt đường sẽ bị phá vỡ kết cấu, gây hư hỏng mặt đường, các hiện tượng ổ gà, ổ voi mặt đường được hình thành theo cơ chế này và sẽ gây ra hiện tượng gãy tại các vị trí góc cạnh tấm bê tông xi măng mặt đường (vị trí mối nối tấm bê tông xi măng), dẫn đến hư hỏng mặt đường.

Thứ ba: Công tác bảo trì sau khi đưa vào sử dụng, thực tế có những tuyến đường cũng có rãnh dọc thoát nước nhưng sau một thời gian khai thác sử dụng thì rãnh này không còn phát huy tác dụng do không nạo vét đất, cát, rác lắng đọng trong lòng rãnh, nước không thoát được và ứ đọng gây đọng nước trên mặt đường, làm cho mặt đường hư hỏng nhanh.

Thứ tư: Một số tuyến đường do xe quá tải lưu thông đã gây hư hỏng kết cấu mặt đường./.

Nguyễn Văn Vinh