GIỚI THIỆU CHUNG
Sở Giao thông vận tải là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về: đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt đô thị; vận tải; an toàn giao thông; quản lý, khai thác, duy tu, bảo trì hạ tầng giao thông đô thị gồm: Cầu đường bộ, cầu vượt, hè phố, đường phố, dải phân cách, hệ thống biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu điều khiển giao thông, hầm dành cho người đi bộ, hầm cơ giới đường bộ, cầu dành cho người đi bộ, bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn.
Sở Giao thông vận tải có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Giao thông vận tải.
Trụ sở làm việc của Sở Giao thông vận tải đặt tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận (địa chỉ: Số 142, đường 21 tháng 8, phường Phước Mỹ, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).
GIAO THÔNG VẬN TẢI NINH THUẬN
25 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, để chung tay xây dựng Ninh Thuận phát triển, ngành Giao thông vận tải tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông-vận tải của tỉnh và đã thu được những kết quả đáng khích lệ, cụ thể như sau :
1. Về công tác quy hoạch:
Hoàn thành và quản lý tốt Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Ninh Thuận đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Tiếp tục xây dựng hoàn thành, quản lý chặt chẽ Quy hoạch phát triển ngành Giao thông vận tải tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời hàng năm Sở đều cập nhật thường xuyên những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tham mưu UBND tỉnh quyết định điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch ngành cho phù hợp với tình hình thực tế.
Kiến nghị và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch đưa cảng biển quốc tế Cà Ná và cảng biển Ninh Chữ vào Quy hoạch nhóm cảng biển Nam Trung bộ (nhóm 4) tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 và khôi phục xây dựng tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt (Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 24/8/2015) nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các phương thức vận tải, dần tạo thành một cơ cấu giao thông vận tải hợp lý, bền vững (hiện nay Sở GTVT đang xúc tiến lập Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 đối với 02 cảng biển này làm cơ sở kêu gọi đầu tư).
2. Về mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy:
- Đường bộ:
Với tổng nguồn vốn đầu tư đã được giao trong giai đoạn này 5.531,305 tỷ đồng (trong đó: vốn Trái phiếu Chính phủ 4.449,043 tỷ, vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ 438,185 tỷ, vốn ODA TW giao cho tỉnh quản lý 248,83 tỷ và ngân sách tỉnh 99,073 tỷ, vốn Bộ GTVT cho QL 27B 296,174 tỷ), Sở Giao thông vận tải đã thực hiện đầu tư xây dựng mới và nâng cấp được 1.107,67 km, nâng tổng số đường bộ trên địa bàn tỉnh tính đến hết năm 2016 lên 1.243,2 km, so với diện tích tự nhiên của tỉnh 3.360,1 km2 đạt 0,37 km/km2 (năm 1992 là 0,17 km/km2), bao gồm các tuyến đường: Đường Quốc lộ 27B, tuyến đường ven biển (từ Hiệp Kiết đến Cà Ná), các tuyến đường tỉnh, đường huyện…4 Khu tái định cư thuộc dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 27 đoạn qua tỉnh Ninh Thuận. Xây dựng mới 8 cầu lớn có kết cấu vĩnh cửu, bê tông dự ứng lực với 4.800 mét dài, trong đó có 02 cầu có tính chất kỹ thuật phức tạp và được sử dụng công nghệ xây dựng mới tiên tiến hiện đại trên thế giới (cầu Ninh Chữ và cầu An Đông). Tính đến hết năm 2016, hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh có: 3 tuyến quốc lộ đi qua đó là đường Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27, Quốc lộ 27B, với chiều dài 174,5 Km; 10 tuyến đường tỉnh (từ 701 - 710) với chiều dài là 322,54 Km; 191 tuyến đường đô thị có chiều dài 287,21 Km; 25 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 244,86 Km; 133 tuyến đường xã với chiều dài 214,09 Km. Trong đó, kết cấu mặt đường bêtông nhựa dài 554,502 Km; láng nhựa dài 66,806 Km; bêtông ximăng dài 521,621 Km; còn lại 100,271 km là các kết cấu mặt đường khác.
- Đường thủy:
Năm 1992 chưa có hoạt động vận tải hành khách bằng đường thủy nội địa, đến nay đã hình thành và xây dựng đưa vào hoạt động bến thủy nội địa tại vịnh Vĩnh Hy và 20 phương tiện với 556 chỗ ngồi phục vụ khách du lịch tham quan trong vùng vịnh Vĩnh Hy. Trong năm 2017, Sở GTVT tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung vào Quy hoạch ngành các bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.
3. Chương trình phát triển giao thông nông thôn-miền núi:
Chương trình phát triển giao thông nông thôn-miền núi có ý nghĩa xã hội sâu sắc, nhằm đạt mục tiêu: cải thiện và ngày càng nâng cao đời sống của nhân dân tại các vùng nông thôn trong tỉnh, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa. Đến nay, tất cả các xã trong tỉnh đều có đường ô tô đến trung tâm xã. Trong giai đoạn triển khai Chương trình từ 2001 đến 2010 đã nâng cấp được 262 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài 258,31 km và 14 cầu giao thông nông thôn với 660 mét dài bằng bê tông cốt thép. Hiện nay Sở GTVT đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai Hợp phần cầu dân sinh thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (gọi tắt là dự án LRAMP) bằng nguồn vốn tài trợ của ngân hàng thế giới (WB), theo đó trên địa bàn tỉnh có 14 cầu dân sinh.
4. Về phát triển vận tải và dịch vụ vận tải:
Sở Giao thông vận tải đã tham mưu UBND tỉnh phát triển các loại hình vận tải và quản lý chặt chẽ các hoạt động vận tải. Đặc biệt, đã đưa vào hoạt động 05 tuyến xe buýt xuất phát từ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đi các huyện. Xây dựng thêm 02 bến xe mới theo hình thức xã hội hóa, đó là bến xe liên tỉnh và bến xe huyện Ninh Sơn. Năm 1992 toàn tỉnh mới có 6 hợp tác xã vận tải ô tô, không có doanh nghiệp vận tải công cộng quốc doanh với số phương tiện là 611 xe. Nhưng đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã có 160 đơn vị vận tải, trong đó: doanh nghiệp 110, hộ kinh doanh vận tải 47 và 3 hợp tác xã với tổng số 1.348 phương tiện bao gồm: 139 xe khách tuyến cố định của 14 doanh nghiệp, 303 xe hợp đồng của 17 doanh nghiệp, 184 xe taxi của 6 doanh nghiệp, 16 xe buýt của 01 doanh nghiệp, 693 xe tải của 115 doanh nghiệp, 13 xe đầu kéo và container của 07 doanh nghiệp. Năm 1995 thành lập 01 Trung tâm kiểm định xe cơ giới đường bộ tỉnh Ninh Thuận, 06 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 03 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, đến hết năm 2016, Sở GTVT đang quản lý 12.957 giấy phép lái xe ô tô và 167.000 giấy phép lái xe mô tô. Song song đó ngành luôn kiểm soát chặt chẽ và không ngừng nâng cao công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ; quản lý và kiểm soát chặt hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, đặc biệt là về tải trọng xe. Đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại, vận chuyển giao thương hàng hóa của nhân dân, thúc đẩy phát triển sản xuất góp phần vào thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
5. Công tác an toàn giao thông:
Là cơ quan thường trực của Ban ATGT tỉnh, Sở GTVT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các Kế hoạch họat động bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia, UBND tỉnh; phát động phong trào thi đua bảo đảm TTATGT 05 năm (2011-2015), tuyên truyền và tổ chức Lễ phát động “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2011-2020” của Liên Hiệp Quốc; tham mưu UBND tỉnh hàng năm ban hành các Chỉ thị, kế hoạch thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh. Lực lượng Thanh tra giao thông của Sở thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Có thể nói là những năm qua với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và kịp thời của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Do đó, tình hình trật tự an toàn giao thông trong tỉnh có chuyển biến tích cực, dần được kiềm chế và đẩy lùi; những năm gần đây tình hình tai nạn giao thông của năm sau luôn giảm so với năm trước cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).
Nhìn chung, qua 25 năm nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ được giao, ngành Giao thông vận tải đã cơ bản hoàn thành mục tiêu chung, đó là: Tạo được hệ thống giao thông của tỉnh tương đối đồng bộ, liên thông, đảm bảo sự bền vững, nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, hiệu quả, bước đầu đáp ứng được nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng và đa dạng hóa của nền kinh tế-xã hội; đã gắn được hệ thống giao thông của tỉnh với khu vực và cả nước; việc đầu tư xây dựng đi đúng hướng, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; đảm bảo phục vụ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng. Năng lực vận tải liên tục tăng khá (bình quân > 10%/năm), chất lượng phục vụ cũng được cải thiện rõ rệt…. Tất cả các kết quả trên đã góp phần thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng GDP của tỉnh cao và bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về phát triển so với các tỉnh trong cả nước.
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thời kỳ hội nhập sâu rộng, đòi hỏi chúng ta phải xác định mục tiêu, đường đi phù hợp để vừa tranh thủ được cách quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại của thế giới, mọi nguồn lực xã hội, vừa phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Với yêu cầu như vậy, thời gian tới, ngành Giao thông vận tải xác định các mục tiêu và giải pháp thực hiện đó là:
1. Về kết cấu hạ tầng:
Hoàn thiện mạng lưới đường hiện có đặc biệt là đường huyện, đường tỉnh tạo ra sự liên thông và khai thác tiềm năng từng khu vực; cứng hoá từ 75% đường giao thông nông thôn và xây dựng cải tạo hệ thống cầu cống đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ; đảm bảo các trục đường chính đô thị Phan Rang - Tháp Chàm đều có vỉa hè. Nâng mật độ đường giao thông từ 2,02km/1000 dân lên 2,46km/1000 dân và từ 0,37km/km2 lên 0,42km/km2. Phát triển hệ thống giao thông đường biển trong đó có cả cảng biển, bến thủy nội địa theo hướng đa mục tiêu vừa tạo động lực cho phát triển kinh tế các vùng ven biển và khai thác tiềm năng về kinh tế biển, vừa là nơi tránh trú bão an toàn cho tàu thuyền trong khu vực; cải tạo nâng cấp cảng Ninh Chữ thành cảng hàng hoá tiếp nhận tàu có trọng tải đến 10.000 tấn, đầu tư xây dựng mới cảng biển quốc tế Cà Ná. Đầu tư xây dựng các bến xe mới theo hình thức xã hội hoá tại các huyện chưa có bến xe…
2. Về vận tải:
Tạo ra một cơ cấu vận chuyển hợp lý giữa các phương thức vận tải, lực lượng vận tải của tỉnh đảm nhận được từ 70% trở lên khối lượng hàng hoá của tỉnh, tương ứng với 6 - 8 xe tải/1000 dân. Từng bước hiện đại hoá các trang thiết bị xếp dỡ; thoả mãn nhu cầu đi lại của nhân dân, lực lượng vận tải trong tỉnh đảm nhận từ 80% trở lên nhu cầu vận tải, tương ứng với từ 60 ghế/1000 dân. Bên cạnh đó cũng phát triển mạnh hệ thống vận chuyển khách công cộng như xe buýt, xe taxi..
Để thực hiện được các mục tiêu trên, ngành Giao thông vận tải sẽ tập trung Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục xúc tiến kêu gọi đầu tư tại các diễn đàn hợp tác kinh tế, thông tin nhanh, đầy đủ và quảng bá rộng rãi trong khu vực và trên cả nước vào một số dự án lớn hết sức quan trọng có ý nghĩa bứt phá, tăng tốc sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của tỉnh. Cụ thể như:
- Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải Sớm hoàn thành toàn bộ dự án Nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 27 qua địa bàn các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, ĐăkLăk; tích cực tìm kiếm các nguồn vốn để đầu tư cho tuyến đường vành đai tỉnh Ninh Thuận và tuyến đường nối từ Quốc lộ 27B đến Lâm Đồng (tuyến tránh qua đèo Ngoạn Mục); Phối hợp với tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai đầu tư phục hồi tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt nhằm tăng cường phát triển du lịch. Trong quá trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông luôn chú trọng và tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường.
- Kêu gọi đầu tư xây dựng Cảng biển quốc tế Cà Ná tiếp nhận tàu đến 50.000 tấn, nâng cấp cảng Ninh chữ thành cảng hàng hóa tiếp nhận tàu đến 10.000 tấn bằng nhiều hình thức đầu tư; Xây dựng Đề án và tổ chức đấu thầu lại vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để thay thế doanh nghiệp xe buýt đang hoạt động đã hết thời gian hợp đồng.
- Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương; các tổ chức tài chính quốc tế có thiện chí đầu tư về vốn và công nghệ hiện đại cho các dự án lớn.
- Tham mưu UBND tỉnh quản lý và sử dụng hợp lý nguồn vốn từ Quỹ bảo trì đường bộ để sửa chữa kịp thời các tuyến đường xuống cấp trầm trọng nhằm bảo đảm cho hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh luôn được thông suốt quanh năm, an toàn.
- Thực hiện tốt kế hoạch chi tiết giai đoạn 2 (2015-2020) Quy hoạch phát triển ngành Giao thông vận tải giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời điều chỉnh, bổ sung kịp thời Quy hoạch cho phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện văn hóa giao thông, thực hiện nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế-xã hội của tỉnh. Phát huy tinh thần đoàn kết và truyền thống của quê hương Ninh Thuận nói chung, của ngành Giao thông vận tải nói riêng, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Giao thông vận tải Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Chỉ thị của Tỉnh ủy, của UBND tỉnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính, nguyện đem công sức, trí tuệ phục vụ sự nghiệp xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
* Quyết định về việc phân công nhiệm vụ trong Ban giám đốc Sở- Thông tin
* Quyết định về việc thành lập Ban biên tập Trang thông tin điện tử Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Thuận